Quảng cáo

Làm nhiệm vụ “gieo chữ” nơi quần đảo Trường Sa

Làm nhiệm vụ “gieo chữ” nơi quần đảo Trường Sa, những người thầy như cây phong ba vững chãi, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để truyền dạy tri thức và bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học trò - những mầm xanh ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Thành quả của người thầy ở Trường Sa không chỉ là học sinh biết đọc, biết viết, mà hơn hết là các em ý thức được niềm tự hào khi được lớn lên và học tập ở Trường Sa. 

Những ngày đầu tháng 1/2024, tàu Bệnh viện Khánh Hòa-01 đưa chúng tôi cập cảng thị trấn Trường Sa sau gần 38 giờ vượt sóng. Dù vẫn còn mệt vì say sóng, nhưng chúng tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần bởi sự chào đón nồng hậu của các chiến sĩ hải quân và nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ của các cháu thiếu nhi.

Kết thúc nghi lễ đón đoàn, chúng tôi có dịp tản bộ trên những con đường được che  mát bởi bóng cây bàng vuông, cây phong ba, lắng nghe tiếng rít liên hồi của gió biển Trường Sa cùng tiếng ê, a đánh vần, ngân nga đọc thơ “Em yêu Trường Sa”: 

“Em yêu biển đảo quê em

Yêu bờ cát trắng, yêu làn sóng xô

Em yêu, yêu những hàng cây

Đung đưa theo gió, dang tay gọi mời

Em yêu các chú hải quân

Ngày đêm đứng gác hăng say quên mình...

Em yêu, yêu cả đất trời 

Yêu Trường Sa lắm, hỡi Trường Sa ơi!..."

Thanh âm trong trẻo ấy đưa chúng tôi đến Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, thấy được hình ảnh hai thầy giáo dõi mắt theo từng giọng đọc, từng biểu cảm và động tác của các trò nhỏ.

Trường có 2 phòng học khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi đến lớp học và thấy có 3 học sinh đang chăm chú lắng nghe thầy giáo giảng bài, khơi gợi những ước mơ, khát vọng về một tương lai phía trước qua bài thơ “Ngày em vào Đội”: 

“Này em, mở cửa ra

Một trời xanh vẫn đợi

Cánh buồm là tiếng gọi

Mặt biển và dòng sông...

Những ngày chị đi qua

Những ngày em đang tới

Khao khát lại bắt đầu

Từ màu khăn đỏ chói..."

Ở lớp cạnh bên, một thầy giáo trẻ tuổi đang quây quần bên 6 trò nhỏ để hát múa bài “Cháu yêu chú bộ đội”. Thấy có người đến thăm, các bạn nhỏ đồng thanh “con chào cô ạ”, rồi biểu diễn bài “Yêu lắm Trường Sa”. Tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên giữa sóng biển rầm rào làm chúng tôi bồi hồi, xúc động.

Mãi đến lúc trời nhá nhem tối, khi học sinh ra về, tôi mới có dịp trò chuyện cùng thầy giáo Lê Xuân Hạnh (53 tuổi) và thầy giáo Cao Văn Truyền (35 tuổi). Qua câu chuyện, tôi mới hiểu vì sao chỉ có 9 học sinh, nhưng hai thầy giáo luôn tất bật. Lúc thì hướng dẫn trò lớn làm bài tập, lúc lại cầm tay trò nhỏ nắn nót con chữ, rồi quay sang dỗ dành các bé khóc nhè. Vì có ít học sinh, nên 9 em của trường chia làm 2 nhóm lớp: Nhóm lớp mầm non có 6 em từ 3 - 5 tuổi. Nhóm tiểu học có 3 em, trong đó có 2 em lớp 2 và 1 em lớp 3.

Đến với Trường Sa ở tuổi 53, thầy giáo Lê Xuân Hạnh được cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo thân thương gọi tên “ông giáo già”, người đã dành tình yêu đặc biệt cho những mầm non ở nơi đầu sóng ngọn gió. Tình yêu ấy đã thôi thúc thầy giáo Hạnh, dạy ở Trường Tiểu học Cam Phước Tây 1, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) viết đơn tình nguyện làm người “đưa đò” ở Trường Sa. Thầy Hạnh trải lòng, 34 năm trong nghề thì tôi đã có 15 năm gắn bó với học trò vùng cao. Bảy năm còn lại trước khi về hưu, tôi muốn dành trọn cho học trò ở Trường Sa, nơi sẽ kết thúc tuổi nghề của cha, mở ra khát vọng cho con trai, cũng là một thầy giáo trẻ.

òn thầy giáo Ưng Văn Tuấn (32 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây, thuộc đảo Đá Tây A thuộc quần đảo Trường Sa chia sẻ, dạy học nơi đầu sóng ngọn gió là niềm vui đối với tôi. Được cống hiến sức trẻ để chắp cánh ước mơ tri thức cho trẻ em nơi quần đảo Trường Sa thân yêu còn là niềm tự hào.

Để được làm người "đưa đò" bên bờ sóng của  đảo Đá Tây A, thầy giáo Tuấn đã 2 lần viết đơn tình nguyện xin công tác ở Trường Sa. Dù thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống và điều kiện giảng dạy khó khăn, thiếu thốn, nhưng với niềm tin, lòng nhiệt huyết và tình yêu biển, đảo, thầy giáo Tuấn đã vượt qua, vững tâm với nghề.

Thầy Tuấn chia sẻ, thầy trò, phụ huynh và cán bộ, chiến sĩ tận dụng mọi thứ trên đảo như sách, báo, ti vi, các hình ảnh trực quan sinh động để tích hợp vào tiết dạy, tạo sự sinh động và hứng thú cho các em. Ở đảo không có Internet, các thầy giáo nghĩ ra cách dùng USB copy các video, rồi sử dụng ti vi để chiếu cho các trò xem. Dù ở đảo xa, nhưng các em vẫn được tiếp cận và trau dồi kiến thức các môn Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, cũng như các kỹ năng mềm. Nhìn các em thích thú trong giờ học, chúng tôi rất vui. 

Học sinh ở Trường Sa lớn lên bên tiếng sóng, gió biển, được những người như thầy Truyền, thầy Hạnh, thầy Tuấn yêu thương, dạy dỗ qua những câu chuyện dung dị, những bài hát thân thuộc tràn đầy sức sống. Tình yêu, sự hy sinh ấy đã góp sức vun đắp những giấc mơ tươi đẹp cho các mầm xanh tương lai nơi đảo xa, như cô bé Trương Nguyễn Triệu Vy, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa ôm ấp ước mơ: “Mai này lớn lên, con sẽ làm cô giáo dạy học ở đảo Trường Sa”.

BÁO QUẢNG NGÃI

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Quảng cáo
🔔
+1