Bao năm gắn bó với nghề là ngần ấy thời gian, chị Lê Thị Hồng Lụa và anh Trần Đại Lượng tiếp xúc những mảnh đời lầm lỗi, có hành vi vi phạm pháp luật lứa tuổi cắp sách đến trường, để dưỡng thiện - diệt ác; làm nấc thang trong bước đường tìm về nẻo thiện.
Chị Lê Thị Hồng Lụa và anh Trần Đại Lượng là hai trong số 60 gương được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.
Chị Lê Thị Hồng Lụa (SN 1990) hơn 10 năm làm công tác giảng dạy tại trường Giáo dưỡng số 2 - Cục C10 Bộ Công an (Ninh Bình). Trong những “chuyến đò” hướng thiện, cứu rỗi sai lầm và để mỗi người trẻ tránh khỏi những tội lỗi, chị Lụa thấu hiểu “dạy dỗ một người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt càng khó gấp bội”.
Chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và luôn cố gắng dùng tình yêu thương để cảm hoá những thân phận đang chông chênh giữa cuộc đời.
Chị Lụa cho biết, từ những năm học phổ thông đã mơ ước theo nghề sư phạm để tiếp nối truyền thống gia đình, được làm cô giáo Công an. Chị có anh chị công tác tại trường Giáo dưỡng số 2 nên từng có dịp đến thăm và nghe nhiều câu chuyện về những mảnh đời lầm lỡ.
“Được nghe nhiều câu chuyện anh chị kể về những mảnh đời đặc biệt, tôi càng mong muốn được dạy học nơi đây, để giúp những học sinh từng lầm lỗi quay về nẻo thiện”, chị Lụa nói.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Toán, Trường ĐH Hoa Lư, chị Lụa được tuyển dụng vào công tác tại Đội Giáo viên văn hóa - Trường Giáo dưỡng số 2, đảm trách giảng dạy văn hoá.
![]() |
Theo chị Lụa, phần nhiều học sinh vào trường có điểm chung là đã bỏ học lâu, kiến thức không cơ bản, ý thức học tập kém, lười học và không có mục tiêu học tập. Hành vi vi phạm pháp luật của các em đa dạng, phức tạp như: trộm cắp, cướp, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người...
Việc giảng dạy văn hoá không chỉ giúp các em nâng cao trình độ, nhận thức mà còn phải hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, có ích đối với gia đình, xã hội.
Để việc giảng dạy có hiệu quả, chị Lụa đã nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp trong truyền đạt, thiết kế bài giảng trực quan sinh động; đồng thời tìm hiểu, lắng nghe giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, mặc cảm.
Chị Lụa từng đạt giải Nhất cá nhân và cùng đồng đội đạt giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi giáo viên dạy giỏi các trường giáo dưỡng năm 2019.
“Hạnh phúc nhất đối với một người giáo viên đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này, là khi các em nhận được giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp đưa vào trường Giáo dưỡng; được các em hân hoan thông báo đã có việc làm, là công dân tốt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc”, chị Lụa chia sẻ.